Được biết, bà có nhiều biệt danh liên quan đến công việc. Biệt danh nào khiến bà bất ngờ?

Có những người bẵng đi một thời gian không gặp, họ quên tên tôi và họ gọi tôi là... “luật sư hiếp dâm”. Mới đầu nghe biệt danh này, tôi bị “sốc” vì thấy từ này nhạy cảm. Trời, tự nhiên những từ nào tốt đẹp không dành cho mình, mà người ta nghĩ đến mấy đứa hiếp dâm là họ nhớ tới bà Nữ! Nhưng có những bạn động viên tôi: “Cái thương hiệu này đâu phải ai cũng có, chỉ mình chị thôi. Em cũng muốn người ta gọi em như thế, mà đâu được”. Bây giờ quen rồi, ai kêu vậy tôi cũng cười. Tôi hiểu rằng người ta gọi theo thực tiễn công việc mình làm, tức là mình luôn bảo vệ cho những đứa trẻ bị xâm hại.

Luật sư Nữ giải đáp pháp luật cho học sinh TP.HCM - Ảnh: Như Lịch

Và biệt danh nào khiến bà tâm đắc nhất?

Năm 2018, tôi được nhận giải thưởng “Thầm lặng mà cao cả”. Từ giải thưởng này, tôi vinh dự gắn liền biệt danh “lá chắn thép bảo vệ trẻ em”, vì đã bảo vệ và giúp đỡ cho biết bao nhiêu trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, bị bạo hành trong những vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt hoặc bị “chìm xuồng”.

Chẳng hạn vụ án bé gái 14 tuổi bị hiếp dâm xảy ra tại H.Bình Chánh, TP.HCM. Vụ án đã khép lại rồi và đối tượng đã được thả về, do kết quả giám định bé gái đã trên 17 tuổi. Sau đó, người nhà của bé lên gặp tôi cầu cứu và đưa ra giấy khai sinh thể hiện bé mới 14 tuổi. Tôi và nhóm luật sư lặn lội về quê của bé ở Đồng Tháp để xác minh giấy chứng sinh, rồi xác minh hồ sơ nhập học lúc bé 6 tuổi... Sau khi đã có những chứng cứ chắc chắn, chúng tôi đấu tranh vất vả đề nghị giám định lại tuổi và lần này cho ra kết quả chính xác, phù hợp với giấy khai sinh của bé. Chúng tôi đã tham gia phá án ngoạn mục và đối tượng phải chịu mức án thích đáng.

Hoặc như vụ án đứa trẻ 5 tuổi tại Q.Tân Bình, TP.HCM bị ông xe ôm xâm hại, do lúc đầu không có chứng cứ nên rơi vào bế tắc. Chúng tôi vào cuộc và đã tìm ra chứng cứ thuyết phục...

Sau khi các vụ án đã được xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tôi không dừng lại đó mà tiếp tục dõi theo, hỗ trợ, gửi các bé vào ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc tại TP.HCM để các bé được chăm sóc, nuôi dưỡng, học hành.

Luật sư Nữ cùng các luật sư Chi hội luật sư thực hiện phiên tòa giả định “Phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em” tại Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (P.An Phú, TP.Thủ Đức) - Ảnh: Như Lịch

Bà đã dành hơn chục năm nghỉ hưu để bảo vệ trẻ em và những người yếu thế. Gia đình bà có ủng hộ công việc đầy thử thách này?

Vợ chồng tôi có hai con gái đã lập gia đình. Lúc đầu chưa biết tôi làm gì, thấy mình cứ đi suốt ngày thì chồng con cũng lo lắng cho sức khỏe của tôi. Đến khi tôi được các giải thưởng, báo chí đưa tin thì ở nhà mấy đứa con và ông xã tôi mới hay những việc tôi làm. Từ đó, chồng con tôi sắp xếp việc gia đình để cho tôi được yên tâm công tác.

Với sự vào cuộc của bà và Chi hội luật sư, không ít đối tượng xâm hại, bạo hành trẻ em đã bị xử lý ở mức án rất cao. Bà có lo sợ bị trả thù?

Đã nhiều lần tôi bị hăm dọa, hành hung. Đơn cử vụ đứa trẻ ở Q.12, TP.HCM bị xâm hại, tòa sơ thẩm xử đối tượng 5 năm 6 tháng tù. Sau khi chúng tôi đấu tranh, đến phiên tòa phúc thẩm, đối tượng bị xử 10 năm tù nên gia đình bị cáo hành hung tôi tại tòa. Lúc đó tôi rất sợ, phải trốn trong nhà vệ sinh.

Tôi từng bị người ta gửi cả trăm tin nhắn dọa giết, đòi đốt trụ sở Hội Bảo vệ quyền trẻ em. Suốt một tháng trời, tôi không ngủ được vì họ cứ gửi các tin nhắn đe dọa cho tới 3 giờ sáng... Sau khi có sự bảo vệ của lực lượng công an, tôi không còn nhận những tin nhắn khủng bố như trên.

Có người hỏi tôi định bỏ nghề không, vì công việc quá nguy hiểm đến tính mạng. Thực tình, nhiều khi tôi cũng nghĩ đến vấn đề này. Nhưng, nếu người nào cũng sợ mà bỏ thì ai lo cho mấy em bị xâm hại, bị bạo hành? Mặt khác, tôi thấy gia đình mấy em bị hại chịu nguy hiểm còn hơn mình, thí dụ họ đi tố cáo mà đối tượng ở cùng xóm tìm tới nhà đe dọa khiến họ rất sợ.

Bản thân tôi rất nhiều lần từng khóc và từng trốn vì sợ. Nhưng rồi tôi suy nghĩ một điều: “Nếu như mình là lá chắn thép bảo vệ các em mà mình yếu đuối, cứ phải trốn tránh như vậy thì làm sao bảo vệ các em được?”. Với suy nghĩ đó, sau này tôi bớt khóc, bớt xúc động tại các phiên tòa; đồng thời luôn tự nhủ phải mạnh dạn, cứng rắn hơn.

Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đưa các vụ án ra ánh sáng, điều gì thường khiến bà trăn trở?

Trong số những vụ xâm hại trẻ em mà tôi tiếp nhận, số hồ sơ không giải quyết được xấp xỉ số hồ sơ chúng tôi đưa ra ánh sáng. Bởi có những trường hợp trẻ bị xâm hại mà không chịu thổ lộ, đến khi gia đình biết thì không còn chứng cứ và nơi xảy ra vụ việc cũng không có camera. Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp trẻ bị chính người thân của mình xâm hại, gia đình không dám lên tiếng vì sợ đổ vỡ và sợ xấu hổ...

Vì vậy, khi đi tuyên truyền pháp luật, chúng tôi luôn nhấn mạnh “Im lặng là tội ác”. Hãy nói không với bạo lực, với xâm hại trẻ em. Trong những trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại, nếu người nhà giấu kín hoặc thương lượng bao che thì đó là tội ác và là tiếp tay cho cái sai, cái ác.

Bà từng nhiều lần góp ý về việc can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành. Theo bà, quy trình xử lý đó hiện nay có được cải thiện?

Trong một số cuộc họp góp ý về công tác bảo vệ trẻ em do Hội đồng Nhân dân TP.HCM tổ chức, tôi từng đề nghị cơ quan điều tra phải ngưng ngay việc yêu cầu trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tham gia đối chất cũng như không hỏi đi hỏi lại các em nhiều lần. Bởi sự thẩm vấn nhiều lần như vậy khiến các em bị tổn thương và sang chấn tâm lý nặng nề. Và tôi cũng đề nghị điều tra viên phải có kinh nghiệm ở lĩnh vực trẻ em và chỉ hỏi các em một lần trong khoảng 30 phút trở lại. Nếu lời khai có cái gì thiếu sót, điều tra viên xuống nhà các em hỏi thêm hoặc đến hội phụ nữ hay UBND địa phương, chứ không tiếp tục đưa các em lên cơ quan điều tra... Đến nay, tôi rất mừng là những kiến nghị của tôi cơ bản đã được đáp ứng.

Mặt khác, Hội LHPN VN cùng Chi hội luật sư chúng tôi đề xuất mô hình “Một điểm dừng” dự kiến tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Theo đó, lúc tiếp nhận tố cáo, cán bộ điều tra và người giám hộ đưa các em lên thẳng Bệnh viện Hùng Vương. Đại diện các cơ quan ban ngành cũng sẽ tập trung tại bệnh viện để phối hợp xử lý, như hội phụ nữ, đơn vị giám định pháp y, luật sư... Với mô hình này, các bé chỉ đến một lần tại một điểm duy nhất và chứng cứ có thể được lưu giữ kịp thời.

Là Chi hội trưởng Chi hội luật sư suốt 8 năm nay, bà có đặt ra những tiêu chuẩn riêng để “giữ chân” hội viên?

Phải nói thẳng rằng khi đã lao vào Chi hội luật sư là như lao vào một nơi nhiều khi còn “nóng” hơn giới showbiz, bởi chúng tôi đã và đang đứng ra đòi công lý cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành. Trong đó, có những vụ án chấn động, cả nước chú ý, như vụ án bé gái 8 tuổi tại TP.HCM bị “dì ghẻ” và cha ruột hành hạ đến tử vong, mà chúng tôi đang tham gia bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân...

Vì vậy, những hội viên của Chi hội luật sư phải đủ các điều kiện: Không đánh bóng tên tuổi; có tâm; có tầm; nhiệt huyết với công việc thiện nguyện. Người nào không hội đủ các điều kiện trên, đương nhiên tôi không thể “mời” ra vì hội mang tính tự nguyện, nhưng tôi không mời tiếp.

Ban đầu chi hội chỉ có 15 - 20 luật sư, sau đó số lượng tăng lên rất nhiều. Tôi chú trọng chất lượng hơn số lượng, nên thực tế số người hoạt động giỏi về cả chuyên môn lẫn tâm huyết hiện chỉ khoảng 25 - 30 luật sư. Trong đó, số người nghỉ hưu chiếm khoảng 50%, số người trẻ khoảng 30%...

Luật sư Nữ cùng các thành viên thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM tham gia Chiến dịch luật sư tình nguyện năm 2022 - (Ảnh: NVCC)

Một số luật sư trẻ nói rằng nhiều khi họ chạy theo bà không kịp về tốc độ, năng lượng làm việc, kể cả khi bà ở độ tuổi U.70...

Tôi nhận thấy mình may mắn có sức khỏe, năng lượng tốt và tâm huyết với công việc. Trong các dịp lễ, tôi hạn chế đi chơi xa, nếu có về quê thì cũng chỉ sáng đi chiều trở lại, để khi có những việc đột xuất thì vẫn kịp thời giải quyết.

Chúng tôi làm việc miễn phí nhưng phải đi suốt, bất kể sớm khuya, xa gần. Dù mệt mỏi cách mấy, được đem kiến thức pháp luật tới cho người dân là tự nhiên tôi thấy hết mệt. Một số thành viên trong chi hội nói vui: “Thôi, tui lạy bà! Chỉ có bà là đi nổi, còn tụi tui không đủ sức chạy theo bà!” (cười).  Tôi quan niệm làm công tác bảo vệ cho trẻ em, mình phải quyết tâm và quyết liệt. Nếu mình cứ ấm a ấm ứ, nói ờ thôi để mai để mốt để ngày kia, tức là không quyết liệt thì mình không bảo vệ cho trẻ em được đâu.

Luật sư Nữ cùng các thành viên thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM tham gia Chiến dịch luật sư tình nguyện năm 2022 - (Ảnh: NVCC)
Báo Thanh Niên
23.10.2022